Trung Quốc cắt giảm sản xuất thép: Vẫn chỉ là lời hứa
Trung Quốc đã tăng công suất thép thực tế của mình 36,5 triệu tấn trong năm 2016, hơn gấp đối sản lượng thép hàng năm của Anh.Thứ 2, 20/02/2017, 08:00 PM
Theo Tổ chức Hoà bình Xanh (Greenpeace), Trung Quốc đã tăng đáng kể công suất thép trong năm 2016, trái với cam kết cắt giảm sản lượng trong bối cảnh thị trướng thép thế giới khủng hoảng thép hiện nay do nguồn cung dư thừa.
Báo cáo nghiên cứu do tổ chức môi trường quốc tế này công bố gần đây cho thấy Trung Quốc đã tăng công suất thép thực tế của mình 36,5 triệu tấn trong năm 2016, hơn gấp đối sản lượng thép hàng năm của Anh.
Custeel, công ty tư vấn Trung Quốc thực hiện nghiên cứu theo sự uỷ thác của tổ chức Greenpeace tại Đông Á, cho biết thêm rằng 80% mức tăng này tập trung tại ba tỉnh lân cận Bắc Kinh là Hồ Bắc, Sơn Tây và Thiên Tân. Đây chính là nguyên nhân khiến mức độ ô nhiễm không khí tăng đột biến ở thủ đô Bắc Kinh vào cuối năm ngoái và đầu năm 2017.
Báo cáo nghiên cứu của Greenpeace ghi nhận cường quốc châu Á này cắt giảm một phần công suất dư thừa vào năm ngoái, song đồng thời lại mở ra các nhà máy mới hay tái khởi động nhiều nhà máy sau một thời gian ngừng hoạt động.
Cụ thể, trong năm 2016, thực tế chỉ có 6 tỉnh Trung Quốc giảm công suất chế tạo thép trong khi 10 tỉnh có mức sản lượng tăng, đặc biệt tăng nhiều nhất ở hai tỉnh Sơn Tây và Hồ Bắc.
Vẫn chỉ là những lời hứa….
Trung Quốc đóng góp trên một nửa sản lượng thép thế giới, song kinh tế trong nước tăng trưởng chậm cùng nhu cầu thép toàn cầu suy giảm đã đẩy ngành thép của nước này dư thừa lớn về công suất. Nền kinh tế hàng đầu châu Á này còn bị đổ lỗi đã bán phá giá thép ra thị trường thế giới, đẩy giá thép lao dốc và vi phạm các hiệp định thương mại quốc tế.
Nhu cầu về thép tại Trung Quốc tăng chậm lại kể từ năm 2011 và thực trạng này đã buộc các quan chức nước này cam kết cắt giảm công suất dư thừa trong năm 2016. Các quan chức Trung Quốc tuyên bố những nỗ lực cắt giảm công suất thép đã vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2016. Song kết quả nghiên cứu của Custeel dường như đã hé lộ một sự thật khác.
Năm 2016, Trung Quốc cắt giảm sản lượng khoảng 85 triệu tấn. Song 73% mức cắt giảm này thuộc về các nhà máy đã “nằm yên hay không hoạt động”, trong khi chỉ có 23 triệu tấn công suất cắt giảm là của các nhà máy đang hoạt động.
Các biện pháp cắt giảm thực đã giải toả phần nào nguồn cung dư thừa, trong khi các gói kích thích của chính phủ Trung Quốc cũng đã giúp nhu cầu tại nước này tăng trong thời hạn ngắn. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đồng thời tái khởi động một số nhà máy trước đây đã đóng cửa. Công suất khai thác của các nhà máy này tương đương 49 triệu tấn, bằng tổng công suất chế tạo thép của Đức. Ngoài ra, Trung Quốc còn bổ sung thêm 12 triệu tấn công suất mới. Kết quả là, sản lượng thép Trung Quốc tăng 3% trong 6 tháng cuối năm ngoái.
Theo nhận định của Greenpeace, do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại, các chính quyền địa phương chịu sức ép gia tăng phải hỗ trợ duy trì việc làm ở các nhà máy thép để tránh sự rối ren xã hội.
Hơn nữa, một số chính sách của chính phủ Trung Quốc đi ngược lại mục tiêu cắt giảm công suất dư thừa đã được công bố. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2015, các hoạt động cấp vốn vay của ngân hàng và trợ cấp của chính phủ cho ngành thép tăng. Năm 2016, các chính sách khích lệ của Trung Quốc thực tế “đã tạo ra một đợt chấn hưng nhỏ trong ngành xây dựng và gây lạm phát giả tạo về nhu cầu thép và giá thép.”
Ô nhiễm tại Bắc Kinh tăng chính do các nhà máy thép
Trung Quốc vượt Mỹ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ hai trên thế giới.
Phân tích về dữ liệu chất lượng không khí ở Bắc Kinh của Greenpeace cho thấy một vài tháng cuối năm ngoái, chất lượng không khí tại đây tồi tệ hơn năm 2015. Trong 5 tuần đầu năm 2017, nồng độ PM2.5, chỉ số về kích thước những hạt trong không khí, tại Bắc Kinh tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2013, chính phủ Trung Quốc công bố mục tiêu cắt giảm mức tiêu thụ than ở ba trung tâm có dân số lớn tại nước này nhằm giảm mức độ ô nhiễm được đánh giá là tồi tệ nhất trên thế giới.
Các chính sách khích lệ của Trung Quốc còn dẫn tới giá than tăng trong một thời kỳ, cho dù các nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu kỳ vọng những số liệu cho thấy mức tiêu thụ than Trung Quốc giảm trong năm 2016 so với năm 2015.
Bà Lauri Myllyvirta, một quan chức thuộc Greenpeace, nhận định: “Thị trường thế giới đang tràn ngập thép và người dân sống ở khu vực phía Bắc Trung Quốc tiếp tục nghẹt thờ bởi sương khói, sản phẩm phụ nghiêm trọng của ngành thép. Tăng công suất thép trong trường hợp này không có ý nghĩa cả về khía cạnh kinh tế hay môi trường”.
Đại diện của Greenpeace này đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc điều chỉnh lại mục tiêu cắt giảm sản lượng để đảm bảo việc tuân thủ đúng cam kết đề ra.
Theo Trí thức trẻ
Trả lời