Thủ tục kiểm tra mặt hàng thép theo thông tư 58

Thủ tục kiểm tra mặt hàng thép theo thông tư 58

Câu hỏi: 16730:

Theo quy định tại Thông tư Liên tịch số: 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2015 thì việc kiểm tra chất lượng đối với mặt hàng thép nhập khẩu được thực hiện theo hai bước. Vậy công ty sẽ phải đăng ký đánh giá sự phù hợp và kiểm tra chất lượng theo hai bước như trên cụ thể như thế nào? công ty sẽ liên hệ với dơ quan nào để thực hiện thủ tục đăng ký đánh giá sự phù hợp và kiểm tra chất lượng theo qui định? Việc đăng ký kiểm tra chất lượng được thực hiện trước khi hay sau khi thực hiện thủ tục đăng ký tờ khai Hải quan nhập khẩu?Trong thời gian chờ đợi đánh giá sự phù hợp và kiểm tra chất lượng, công ty có được đề nghị mang hàng về kho bảo quản không? nếu được thì thủ tục như thế nào?

Ngày gửi: 11/03/2016 – Trả lời: 17/03/2016

Tên doanh nghiệp: CÔNG TY TNHH DV LOGISTIC & TM SAO BIỂN

Địa chỉ: – Email : project@ssl.com.vn

Vướng mắc nêu trên, Cục Hải quan Đồng Nai có ý kiến trao đổi như sau:

Vướng mắc 1:

Căn cứ Điều 10 Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2015 của Bộ Công thương – Bộ Khoa học công nghệ quy định:

“Điều 10. Trình tự, thủ tục và nội dung kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu

Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm thép nhập khẩu được thực hiện như sau:

– Bước 1: Đánh giá sự phù hợp về chất lượng của thép do tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện.

– Bước 2: Kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với thép nhập khẩu.

1. Đánh giá sự phù hợp về chất lượng của thép do tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện:

a) Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu lựa chọn phương thức đánh giá sự phù hợp theo lô hàng nhập khẩu:

Việc đánh giá sự phù hợp của lô hàng được thực hiện theo phương thức 7 (Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hoá) quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và do tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định thực hiện. Chi phí cho hoạt động đánh giá sự phù hợp của lô hàng nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại Khoản 15 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu lựa chọn theo phương thức đánh giá sự phù hợp tại nước xuất khẩu:

Việc đánh giá sự phù hợp của sản phẩm thép được thực hiện theo phương thức 5 (Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất) quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và do tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện, cụ thể:

– Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, lập kế hoạch, chương trình đánh giá và tổ chức thực hiện việc đánh giá trên cơ sở hợp đồng ký kết với tổ chức, cá nhân đăng ký và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau khi nhận được báo cáo của tổ chức chứng nhận, trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cử thành viên giám sát hoạt động đánh giá chứng nhận tại nước xuất khẩu của tổ chức chứng nhận. Chi phí cho các thành viên giám sát này do tổ chức chứng nhận bảo đảm, mức chi quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.

– Thực hiện đánh giá hệ thống quản lý chất lượng, lấy mẫu điển hình tại nơi sản xuất theo quy định, gửi thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá sự phù hợp của mẫu thử nghiệm. Nếu kết quả đánh giá hệ thống quản lý chất lượng và kết quả thử nghiệm mẫu điển hình đạt yêu cầu, tổ chức chứng nhận cấp Giấy chứng nhận có thời hạn hiệu lực 03 năm cho tổ chức, cá nhân.

– Kết thúc quá trình đánh giá, tổ chức chứng nhận có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ đánh giá và báo cáo kết quả về Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ.

– Trong thời gian hiệu lực của Giấy chứng nhận đã cấp, tổ chức chứng nhận phải thực hiện việc đánh giá giám sát thông qua việc thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc lấy trên thị trường (tại cửa khẩu nhập khẩu) kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất tại nơi sản xuất với tần suất không quá 12 tháng/lần. Kết quả đánh giá giám sát là căn cứ để tổ chức chứng nhận duy trì hoặc đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đã cấp.

2. Trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với thép nhập khẩu.

a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với thép nhập khẩu tại cơ quan kiểm tra nhà nước nơi tổ chức, cá nhân làm thủ tục hải quan, hồ sơ bao gồm:

– Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng của thép nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục V Thông tư liên tịch này;

– Bản sao (có đóng dấu của tổ chức, cá nhân) Hợp đồng (Contract), Danh Mục hàng hóa (Packing list); Hóa đơn (Invoice),Vận đơn (Bill of Lading); Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O);

– Bản sao (có đóng dấu của tổ chức, cá nhân) Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn của thép nhập khẩu do tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc Chứng thư giám định phù hợp tiêu chuẩn của thép nhập khẩu do tổ chức giám định được chỉ định cấp;

– Đối với các loại thép được phân loại theo mã HS quy định tại Mục 2 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này, hồ sơ phải bổ sung thêm Bản kê khai thép nhập khẩu đã được Bộ Công Thương xác nhận và bản sao Giấy xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép của Sở Công Thương

b) Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan kiểm tra phải ra Thông báo kết quả kiểm tra hàng hóa nhập khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng theo mẫu quy định Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

c) Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, cơ quan kiểm tra xác nhận các hạng Mục hồ sơ còn thiếu trong Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này và yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong thời gian 25 ngày làm việc. Trường hợp quá thời hạn nêu trên mà vẫn chưa bổ sung đủ hồ sơ thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải có văn bản gửi cơ quan kiểm tra nêu rõ lý do và thời gian hoàn thành.

Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu không hoàn thiện đầy đủ hồ sơ trong thời gian quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thời gian bổ sung hồ sơ, cơ quan kiểm tra ra Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này, trong thông báo nêu rõ “ ô hàng không hoàn thiện đầy đủ hồ sơ” gửi tới tổ chức, cá nhân nhập khẩu và cơ quan hải quan.

d) Trường hợp thép nhập khẩu có Giấy tờ không phù hợp với hồ sơ nhập khẩu hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan kiểm tra ra Thông báo kết quả kiểm tra hàng hóa nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu chất lượng theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này, trong đó phải nêu rõ lý do và gửi tới tổ chức, cá nhân nhập khẩu và cơ quan Hải quan”.

Đề nghị công ty tham khảo nội dung hướng dẫn trên để thực hiện.

Vướng mắc 2:

Đề nghị công ty tra cứu Danh sách các tổ chức giám định chất lượng được chỉ định trên trang thông tin điện tử của Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện.

Vướng mắc 3:

Căn cứ điểm khoản 2 Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định:

“2. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu bao gồm:

đ) Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc Giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật: 01 bản chính”.

Theo quy định trên, hồ sơ nhập khẩu phải có Giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành (đối với hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành). Do vậy, tại thời điểm đăng ký tờ khai, công ty chưa có Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc Giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành thì phải nộp giấy đăng ký kiểm tra chuyên ngành cùng bộ hồ sơ hải quan để làm cơ sở. Cơ quan Hải quan chỉ thông quan hàng hóa khi công ty cung cấp bản Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định.

Vướng mắc 4:

Căn cứ khoản 3 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định:

“Điều 32. Đưa hàng về bảo quản

3. Hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm

Việc kiểm tra được thực hiện tại cửa khẩu; trường hợp đưa hàng về địa điểm khác để kiểm tra theo đề nghị của cơ quan kiểm tra chuyên ngành hoặc người khai hải quan có yêu cầu đưa hàng về bảo quản, người khai hải quan có văn bản đề nghị theo mẫu số 09/BQHH/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai xem xét quyết định cho đưa hàng về bảo quản tại cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chịu sự giám sát của cơ quan hải quan; địa điểm kiểm tra chuyên ngành hoặc kho, bãi của người khai hải quan.

Người khai hải quan tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc vận chuyển, bảo quản nguyên trạng hàng hóa đến khi có kết luận kiểm tra hàng hóa đáp ứng yêu cầu nhập khẩu và cơ quan hải quan quyết định thông quan”.

Theo quy định, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng được đưa về kho bảo quản trên cơ sở công ty có văn bản đề nghị gửi Chi cục Hải quan quan nơi đăng ký tờ khai xem xét giải quyết.

Để tham khảo thêm có thể truy cập vào website của Cục Hải quan Đồng Nai theo địa chỉ: www.dncustoms.gov.vn

Nguồn: Cục HQ Đồng Nai

SUNMETAL ST.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thông tin liên quan